You are here:   Dự án
  |  Đăng nhập
Thứ Năm, 16/04/2015

Phân loại rác tại nguồn tại trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc Gia TP.HCM

Rác thải ở Việt Nam đang là một hiện trạng đáng lo ngại. Sự phát triển kinh tế cùng với sự gia tăng dân số không ngừng đang khiến rác thải sinh hoạt và y tế tại các thành phố lớn ở Việt Nam tăng nhanh hơn cả các nước khác trên thế giới. Hiện nay, tại thành phố Hà Nội, khối lượng rác sinh hoạt tăng trung bình 15% một năm, tổng lượng rác thải ra ngoài môi trường lên tới 5.000 tấn/ngày. Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi năm cần tới 235 tỉ đồng để xử lý.

Từ những thực trạng trên, việc phân loại rác tại nguồn đang là một vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Do đó, Trung tâm Khu vực miền Nam về Giáo dục và Phát triển Bền vững (RCE Southern Vietnam) quyết định tiến hành hoạt động “Phân loại rác tại nguồn vì sự phát triển bền vững xã hội” trong khu vực trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn triển khai đến toàn trường.

Chương trình thực hiện nhằm hướng đến các mục tiêu sau:

  1. Xây dựng môi trường đại học xanh – sạch – hiện đại;
  2. Tăng cường tái sử dụng tài nguyên;
  3. Trở thành đơn vị tiên phong nhằm thúc đẩy phong trào phân loại rác thải của thành phố.

Trong quá trình khảo sát, trung tâm đã thống kê được số lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại trường đại học quốc tế như sau:

Tổng khối lượng rác 3.8 – 4.1 m3 /ngày
Thành phần rác thải Tỉ lệ
Hộp cơm 35%
Ly nhựa, vỏ chai, vỏ lon (nhựa và thủy tinh) 30%
Khăn giấy 25%

Những loại rác khác:

găng tay dùng 1 lần (trong căn tin và phòng thí nghiệm)

vỏ kẹo, vỏ trái cây

10%

 

Thành phần rác thải (theo khả năng tái chế) Tỉ lệ

Rác dễ tái chế trên thị trường Việt Nam hiện nay :

Ly nhựa, vỏ chai, vỏ lon (nhựa và thủy tinh),

bao nylon, giấy văn phòng

30% - 35%
Rác khó tái chế 65% - 70%

 

Ngoài ra, RCE cũng thực hiện bảng khảo sát về “Phân loại rác tại nguồn” trên 150 nhân viên - giảng viên và 100 sinh viên, Trung tâm đã tổng hợp lại những ý kiến đóng góp của nhân viên - giảng viên và các bạn sinh viên.

Theo khảo sát, 95% sinh viên cho rằng việc phân loại rác thải là cần thiết trong trường đại học, 5% cho biết không cần phải được phân loại do khó khăn trong việc phân loại. Tuy nhiên, sinh viên vẫn sẵn lòng tham gia vào các hoạt động phân loại rác và do đó, số lượng sinh viên sẵn lòng tham gia lên đến 96%. 90% nhận xét các nội dung của chương trình phân loại là hợp lý.

Về phía nhân viên - giảng viên, cuộc khảo sát cho thấy 97% số nhân viên và giảng viên đồng ý với các chương trình và  sẵn lòng tham gia chương trình. Một vài người cho rằng, việc phân loại là nhiệm vụ của lao công vệ sinh và đơn vị thu gom rác thải nên không cần phải làm chương trình này. Có khoảng 75% đồng ý rằng nội dung chương trình là hợp lí, 25% đề nghị rằng cần phải bổ sung thêm các loại rác.

Hầu hết các nhân viên - giảng viên cũng như sinh viên cho rằng kênh thông tin tốt nhất để kết nối với sinh viên là thông qua: Facebook, bảng tin của các khoa, phòng ban và email của sinh viên. Thêm vào đó, việc thiết kế thùng rác dễ phân biệt, có bảng hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cũng sẽ góp phần làm hoạt động hiệu quả hơn.

 

Dựa vào kết quả khảo sát cũng như ý kiến đóng góp của nhân viên - giảng viên và sinh viên, Trung tâm đã đề xuất phân rác sinh hoạt tại trường thành 3 loại. Ở mỗi góc đặt thùng rác, trung tâm sẽ bố trí 3 thùng rác phân biệt đặt cạnh nhau như sau:

Thùng 1: Ly nhựa, vỏ chai, vỏ lon (nhựa và thủy tinh), bao Nylon;

Thùng 2: Giấy văn phòng;

Thùng 3: Các loại rác còn lại.

 

Đây là mô hình tiên phong trong chiến dịch xây dựng mô hình trường đại học xanh hướng đến một xã hội hiện đại, nhằm khuyến khích ý thức và hành động bảo vệ môi trường của công dân trong thời đại toàn cầu hóa (Global Citizen). Trung tâm RCE Southern Vietnam mong muốn nhận được sự hợp tác các bạn sinh viên Trường Đại học Quốc tế để chương trình được thực hiện hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, rất mong nhận được sự góp ý của tập thể cán bộ nhân viên các bạn sinh viên để chương trình ngày càng tốt hơn.

An Phú


[Trờ về]